Chính trị Bồ Đào Nha

António Costa, thủ tướng từ năm 2015.
Marcelo Rebelo de Sousa, tổng thống từ năm 2016.

Bồ Đào Nha là một nước cộng hoà dân chủ đại nghị bán tổng thống kể từ khi phê chuẩn hiến pháp năm 1976. Hiến pháp phân chia quyền lực giữa bốn cơ cấu là Tổng thống, Chính phủ, Nghị viện và Toà án.[13] Bồ Đào Nha có thể chế đa đảng, cạnh tranh trong lập pháp và hành pháp ở các cấp quốc gia, khu vực và địa phương. Nghị viện Bồ Đào Nha cùng các cơ quan lập pháp khu vực và địa phương nằm dưới quyền chi phối của hai chính đảng là Đảng Xã hội (PS) trung-tả và Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) trung-hữu, ngoài ra còn có Liên minh Dân chủ Đoàn kết (Đảng Cộng sản và Đảng Sinh thái "Xanh"), Khối cánh Tả, và Đảng CDS – Nhân dân.

Nguyên thủ quốc gia là "Tổng thống của nước Cộng hoà", được bầu ra theo thể thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Người này cũng có các quyền giám sát và dự trữ. Các quyền lực của tổng thống bao gồm bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên khác trong chính phủ (theo kết quả bầu cử cơ quan lập pháp); bãi chức thủ tướng; giải tán Nghị viện của nước Cộng hoà (để yêu cầu bầu cử sớm); phủ quyết lập pháp (song có thể bị Nghị viện bác bỏ); và tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc bao vây. Tổng thống cũng là tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang. Hội đồng Nhà nước tiến hành cố vấn về các vấn đề quan trọng cho Tổng thống, cơ cấu này gồm sáu quan chức dân sự cao cấp, các cựu tổng thống từng được bầu theo hiến pháp năm 1976, năm thành viên do Nghị viện chọn ra, và năm thành viên do tổng thống lựa chọn.

Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, cơ quan này còn bao gồm ít nhất một phó thủ tướng và các bộ trưởng. Chính phủ là cơ quan tối cao về quản lý chính trị tổng thể quốc gia và về cai quản công cộng. Về cơ bản, chính phủ có quyền lực hành pháp, song cũng có các quyền lực lập pháp hạn chế. Chính phủ có thể ban hành luật về cơ cấu tổ chức của mình, về các lĩnh vực được Nghị viện uỷ quyền và về các quy định cụ thể của pháp luật tổng quát do Nghị viện ban hành. Hội đồng Bộ trưởng do thủ tướng đứng đầu (hoặc là tổng thống nếu người này yêu cầu) và bao gồm các bộ trưởng, giữ vai trò là nội các. Mỗi chính phủ đều được yêu cầu xác định phác thảo khái quát chính sách của mình trong một cương lĩnh, và trình nó lên Nghị viện.

Nghị viện của nước Cộng hoà là cơ cấu lập pháp chính tại Bồ Đào Nha, gồm có một viện với 230 thành viên. Nghị viện được bầu ra theo thể thức phổ thông đầu phiếu đại diện tỷ lệ, có nhiệm kỳ 4 năm trừ khi Tổng thống giải tán Nghị viện và yêu cầu bầu cử sớm.

Hệ thống tư pháp Bồ Đào Nha là bộ phận của hệ thống pháp luật dân luật. Các luật chủ yếu bao gồm hiến pháp năm 1976, luật dân sự năm 1966 (có sử đổi) và luật hình sự năm 1982 (có sửa đổi). Các luật liên quan khác là luật Thương mại năm 1888 có sửa đổi và luật Thủ tục dân sự năm 1961 có sửa đổi. Các toà án quốc gia tối cao là Toà án Tư pháp Tối cao và Toà án Hiến pháp. Bộ Công cộng do Tổng chưởng lý đứng đầu, gồm các cơ quan tố tụng công cộng độc lập. Pháp luật Bồ Đào Nha được áp dụng tại các cựu thuộc địa và tiếp tục có ảnh hưởng lớn tại các quốc gia này.

Bồ Đào Nha là một trong các quốc gia đầu tiên bãi bỏ án tử hình, hình phạt tù giam tối đa là 25 năm. Bồ Đào Nha cũng hợp pháp hoá việc sử dụng tất cả các loại ma tuý thông thường từ năm 2001, là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này.[44] Quyền lợi của cộng đồng giới tính thiểu số gia tăng đáng kể tại Bồ Đào Nha, vào năm 2010 Bồ Đào Nha trở thành quốc gia thứ tám trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới trên cấp độ quốc gia.[45]

Các tổ chức cảnh sát chủ yếu của Bồ Đào Nha là Guarda Nacional Republicana – GNR (Vệ binh Cộng hoà Quốc gia), là một lực lượng hiến binh; Polícia de Segurança Pública – PSP (Cảnh sát an ninh công cộng) là lực lượng cảnh sát dân sự hoạt động tại các khu vực đô thị; và Polícia Judiciária – PJ (cảnh sát tư pháp) là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm chuyên biệt cao độ, do Bộ Công cộng giám sát.

Hành chính

Bồ Đào Nha được phân chia thành 308 khu tự quản (tiếng Bồ Đào Nha: municípios hay concelhos), sau một cải cách vào năm 2013 chúng được chia tiếp thành 3.092 giáo xứ dân sự (tiếng Bồ Đào Nha: freguesia). Đại lục Bồ Đào Nha được phân thành 18 tỉnh, còn các quần đảo Açores và Madeira là các vùng tự trị. 18 tỉnh tại đại lục Bồ Đào Nha là: Aveiro, Beja, Braga, Bragança, Castelo Branco, Coimbra, Évora, Faro, Guarda, Leiria, Lisboa, Portalegre, Porto, Santarém, Setúbal, Viana do Castelo, Vila RealViseu – tên của các tỉnh được đặt theo thủ phủ.

Trong hệ thống NUTS Liên minh châu Âu, Bồ Đào Nha được phân thành bảy khu vực: Açores, Alentejo, Algarve, Centro, Lisboa, MadeiraNorte, và ngoại trừ Açores cùng Madeira, các khu vực NUTS được phân thành 28 phân vùng.

Tỉnh[46]
 TỉnhDiện tíchDân số TỉnhDiện tíchDân số
1Lisboa2.761 km²2.250.53310Guarda5.518 km²160.939
2Leiria3.517 km²470.93011Coimbra3.947 km²430.104
3Santarém6.747 km²453.63812Aveiro2.808 km²714.200
4Setúbal5.064 km²851.25813Viseu5.007 km²377.653
5Beja10.225 km²152.75814Bragança6.608 km²136.252
6Faro4.960 km²451.00615Vila Real4.328 km²206.661
7Évora7.393 km²166.70616Porto2.395 km²1.817.117
8Portalegre6.065 km²118.50617Braga2.673 km²848.185
9Castelo Branco6.675 km²196.26418Viana do Castelo2.255 km²244.836
Vùng tự trị
Vùng tự trịDiện tíchDân số
Açores2.333 km²246.772
Madeira801 km²267.785

Ngoại giao

Cung điện Necessidades là trụ sở của Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha.

Bồ Đào Nha là một thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1955, và là một thành viên sáng lập của NATO (1949), OECD (1961) và EFTA (1960); đến năm 1986 Bồ Đào Nha gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, thể chế này trở thành Liên minh châu Âu vào năm 1993. Đến năm 1996, Bồ Đào Nha đồng sáng lập Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha (CPLP), nhằm tìm cách thúc đẩy liên kết kinh tế và văn hoá mật thiết hơn giữa các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha trên thế giới. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha António Guterres đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 2017.

Bồ Đào Nha còn là một thành viên đầy đủ của Liên minh Latinh (1983) và Tổ chức các quốc gia Iberia-châu Mỹ (1949). Quốc gia này có một quan hệ liên minh hữu nghị và hiệp định quốc tịch kép với cựu thuộc địa của nước này là Brasil. Bồ Đào Nha và Anh có hiệp ước quân sự có hiệu lực lâu năm nhất thế giới, theo hiệp ước Windsor ký vào năm 1373. Bồ Đào Nha có hai tranh chấp lãnh thổ với Tây Ban Nha: Olivenza được nhượng cho Tây Ban Nha vào năm 1801, song Bồ Đào Nha tái yêu sách vào năm 1815. Tuy nhiên khu vực nằm dưới quyền kiểm soát liên tục của Tây Ban Nha từ thế kỷ XIX.[47] Quần đảo Selvagens thuộc quyền cai trị của Bồ Đào Nha, và vấn đề chính là vùng đặc quyền kinh tế của Bồ Đào Nha quanh quần đảo này.[48]

Quân sự

Tàu khu trục MEKO 200 của Hải quân Bồ Đào Nha

Lực lượng vũ trang Bồ Đào Nha gồm có Hải quân, Lục quân và Không quân. Chúng chủ yếu có vai trò tự vệ, với sự mệnh là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và cung cấp trợ giúp nhân đạo và an ninh tại quê nhà và hải ngoại. Tính đến năm 2008, ba nhánh này có 39.200 quân nhân tại ngũ, trong đó có 7.500 người thuộc nữ giới. Chi tiêu quân sự của Bồ Đào Nha vào năm 2009 đạt 5,2 tỉ USD, chiếm 2,1% GDP. Nghĩa vụ quân sự bị bãi bỏ vào năm 2004. và tuổi tối thiểu để nhập ngũ tự nguyện là 18.

Lục quân gồm có ba lữ đoàn và các đơn vị nhỏ khác, một lữ đoàn bộ binh (được trang bị thiết vận xa Pandur II), một lữ đoàn cơ giới (được trang bị xe tăng Leopard 2 A6 và thiết vận xa M113) và một lữ đoàn phản ứng nhanh (gồm lính dù, đặc công, biệt kích). Hải quân Bồ Đào Nha là lực lượng hải quân lâu năm nhất còn tồn tại trên thế giới, và bao gồm cả lực lượng thuỷ quân lục chiến, có các tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống nhỏ, tàu ngầm, tàu tuần tra và bổ trợ. Không quân Bồ Đào Nha có các máy bay F-16 Fighting FalconDassault/Dornier Alpha Jet. Ngoài ra còn có Vệ binh Cộng hoà Quốc gia, một lực lượng an ninh trong khuôn khổ pháp luật và tổ chức quân sự (hiến binh). Lực lượng này thuộc phạm vi thẩm quyền của cả Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, và từng tham gia các sứ mệnh quốc tế tại Iraq và Đông Timor.

Hoa Kỳ duy trì một căn cứ quân sự tại Căn cứ không quân Lajes trên đảo Terceira thuộc Açores. Bộ chỉ huy lực lượng chung Đồng Minh Lisboa (JFC Lisbon) – một trong ba phân vùng chính của Bộ tư lệnh tối cao NATO  – đặt tại Oeiras, gần Lisboa.

Trong thế kỷ XX, Bồ Đào Nha tham gia hai cuộc xung đột lớn là Chiến tranh thế giới thứ nhấtChiến tranh thực dân Bồ Đào Nha (1961–1974). Sau khi Đế quốc Bồ Đào Nha kết thúc vào năm 1975, lực lượng vũ trang Bồ Đào Nha tham gia các sứ mệnh duy trì hoà bình tại Đông Timor, Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Somalia, Iraq (Nasiriyah) và Liban. Bồ Đào Nha cũng tiến hành một số hoạt động quân sự đơn phương độc lập ở bên ngoài, như trong việc can thiệp tại Angola vào năm 1992 và tại Guinea-Bissau vào năm 1998 với mục tiêu chính là bảo vệ và di tản các công dân Bồ Đào Nha và ngoại quốc trước đe doạ từ xung đột nội bộ tại địa phương.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bồ Đào Nha http://www.abc.net.au/news/2017-01-10/cristiano-ro... http://www.abc.net.au/science/articles/2007/09/13/... http://www.ibge.gov.br/ibgeteen/povoamento/portugu... http://www.10best.com/awards/travel/best-european-... http://www.algarvedailynews.com/features/environme... http://embaixada-portugal-brasil.blogspot.com/2007... http://www.curiousread.com/2008/02/ten-longest-bri... http://www.distritosdeportugal.com/ http://www.economist.com/world/mideast-africa/disp... http://www.euromonitor.com/travel-and-tourism-in-p...